Câu chuyện hay về chữ tín trong kinh doanh
“Những người chậm chạp khi đưa ra lời hứa là những người trung thành với việc thực hiện nó nhất.”

Chữ tín của người Nhật và lòng tin khách hàng
Với người Nhật, chữ tín trong kinh doanh và lòng tin trong những cư xử xã hội luôn được đề cao. Họ tin nhau bởi tính trung thực, tự giác đã trở thành văn hóa; Khách hàng luôn tin những công ty Nhật bởi cách làm chuyên nghiệp, có trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa… Đó không phải là việc làm nhất thời mà là “phong cách Nhật” – được người Nhật tạo dựng, duy trì trong suốt một quá trình dài…

Người Nhật tin nhau…

Nếu có dịp đến Osaka, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những “shop mini không người bán” – người mua chỉ việc chọn lấy sản phẩm mình thích và tự giác bỏ tiền vào thùng theo đúng giá niêm yết. Ở một số tỉnh như Hokkaido, Sapporo hay Osaka, hầu hết các siêu thị đều không yêu cầu người mua phải gửi giỏ hay túi xách khi vào mua sắm…

Tại Nhật Bản, trong công việc, mọi thứ đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh sai sót, nhưng kiểm soát về tính trung thực thì rất hiếm vì người Nhật luôn đặt niềm tin lẫn nhau.

Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật luôn có lòng tin về tính trung thực, tự giác của người dân trên đất nước họ. Bởi đức tính đó được hình thành, giáo dục từ nhỏ, được rèn luyện qua thời gian và dần trở thành tính cách đặc trưng của hầu hết người dân Nhật Bản…

Trọng chữ tín, cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa
Nếu như ở Việt Nam, hai từ “thông cảm” thường được dùng để biện minh cho việc không thực hiện đúng cam kết thì với người Nhật, chữ tín và cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa luôn được đặt lên hàng đầu, dù đôi lúc, việc giữ chữ tín có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích công ty…

Câu chuyện về việc giữ chữ tín của Fujita – công ty chuyên sản xuất dao, nĩa để cung cấp cho các công ty thực phẩm là một ví dụ rõ nét nhất về tinh thần trọng chữ tín của người Nhật. Theo hợp đồng, Fujita sẽ giao 3 triệu chiếc dao nĩa cho một công ty thực phẩm ở Chicago (Mỹ) vào ngày 1/9. Tuy nhiên, một vài sự cố thiết bị xảy ra khiến lô hàng chỉ được hoàn tất vào ngày 30/8, tức truớc hạn giao đúng…1 ngày. Nếu áp dụng cách giao hàng như đã thỏa thuận (vận chuyển bằng tàu, thời gian giao mất 1 tháng) đồng nghĩa với việc lô hàng không thể đến Chicago đúng hạn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, hãng Fujita đã quyết định thuê trọn gói chiếc máy bay Boeing 707 để chở toàn bộ lô hàng đến Chicago đúng hạn đã cam kết. Dù số tiền bỏ ra cao gấp trăm lần so với giá cước thuê tàu, dù việc làm này dẫn đến lợi nhuận của Fujita bị sụt giảm nghiêm trọng. Việc làm này khiến công ty thực phẩm của Mỹ vô cùng cảm động và khâm phục. Để rồi những năm sau đó, họ tiếp tục đặt mua dao nĩa của Fujita với số lượng tăng gấp đôi, gấp ba và trở thành khách hàng thân thiết của hãng trong suốt thời gian dài…

Thẳng thắn nhận trách nhiệm, biết đặt uy tín lên trên lợi ích, lợi nhuận của công ty là cách giúp người Nhật tạo có được lòng tin và sự tín nhiệm của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc nỗ lực khắc phục những sai sót, đồng thời duy trì chất lượng ổn định, nhất quán trong suốt quá trình dài là cách các công ty Nhật Bản chiếm được lòng tin và phát triển bền vững dù có bất kỳ biến động nào xảy ra…

Sưu tầm: Toàn Năng Group

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *